Dấu hiệu nhận biết của chứng đau thần kinh tọa là cảm giác đau và tê lan xuống chân, thường ở dưới đầu gối. 9 trong số 10 trường hợp, đau thần kinh tọa là do đĩa đệm ở cột sống dưới bị di lệch. Căn bệnh này phổ biến từ 35 tuổi nhưng về già bệnh sẽ nặng hơn, đau với mật độ dày hơn và cảm giác đau đớn hơn so với người trẻ tuổi.
Thuốc điều trị tốt nhất đối với bệnh thần kinh tọa chính là sự kiên nhẫn. Chỉ cần bạn kiên trì giảm đau bằng vật lý trị liệu thì cơn đau sẽ biến mất hoặc cải thiện trong vòng một tháng. Tuy nhiên với người cao tuổi, cơn đau sẽ lâu hết hơn và quay lại sớm hơn.
Nếu cơn đau của bạn dữ dội hoặc kéo dài bạn có thể sẽ phải quyết định phẫu thuật. Có một số loại phẫu thuật nhưng tất cả chúng đều liên quan đến việc tách đĩa đệm để chúng không ảnh hưởng đến các rễ thần kinh. Tin tốt là phẫu thuật đau thần kinh tọa không phải là những phẫu thuật có nguy cơ cao – rất hiếm khi xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, sau nhiều năm kết quả trị liệu của bệnh nhân phẫu thuật và bệnh nhân sử dụng vật lý trị liệu đều giống nhau.
Các triệu chứng và chẩn đoán bệnh đau thần kinh tọa
Triệu chứng
Mỗi chân có một dây thần kinh tọa dài chạy qua mông, xuống mặt sau của đùi, đến bàn chân và các ngón chân. Đau thần kinh tọa là cảm giác đau dọc theo quá trình của các dây thần kinh đó và các nhánh của chúng. Do đó, mặc dù vấn đề bắt nguồn từ vùng thắt lưng dưới của cột sống nhưng các triệu chứng chủ yếu cảm thấy ở chân.
Nhiều người có tiền sử mắc các bệnh về lưng, nhưng cơn đau thần kinh tọa thường khởi phát đột ngột. Nó có thể được kích hoạt bởi một hoạt động nhỏ – ngay cả một cái hắt hơi. Cơn đau thường buốt và nhói và giới hạn ở một bên chân. Tê, cảm giác ngứa ran khó chịu và yếu ở chân bị ảnh hưởng là phổ biến.
Chẩn đoán
Đau thần kinh tọa, là một tập hợp các triệu chứng, do đó, chẩn đoán phần lớn có xu hướng dựa trên lời kể của bệnh nhân về những gì họ đã cảm thấy. Kiểm tra chân thẳng là một cách nhanh chóng, ít tốn kém để biết có bị thoát vị đĩa đệm hay không. Bác sĩ sẽ nhấc chân lên trong khi bệnh nhân nằm ngửa. Nếu nhấc chân tái phát cơn đau thần kinh tọa, đó là một manh mối tốt cho thấy có một loại đĩa đệm nào đó lệch ra khỏi vị trí.
Chụp MRI có thể cung cấp nhiều bằng chứng trực tiếp hơn về vấn đề đĩa đệm, nhưng nhiều bác sĩ và một số hướng dẫn khuyên bạn nên dừng việc kiểm tra hình ảnh cho đến khi phẫu thuật là một lựa chọn nghiêm túc. Nếu cơn đau biến mất như thường lệ, thì các xét nghiệm như vậy là không cần thiết.
Điều trị đau thần kinh tọa ở người cao tuổi
Các bác sĩ hiện nay thường khuyên bệnh nhân duy trì các hoạt động hàng ngày càng nhiều càng tốt. Thuốc giảm đau – thường chỉ là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) tiêu chuẩn như ibuprofen và naproxen – thường được kê đơn.
Vật lý trị liệu là giải pháp được khuyên dùng nhiều vì nó giúp tăng cường các cơ ở bụng và xung quanh cột sống, điều này có thể làm giảm áp lực lên đĩa đệm. Nếu cách này không hiệu quả, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tiêm corticosteroid vào cột sống.
Bạn có thể sử dụng thủy trị liệu (ngâm tắm thảo dược), vận động nhẹ nhàng hàng ngày và tập luyện theo bài tập của chuyên gia vật lý trị liệu.
Hầu hết bệnh nhân đau thần kinh tọa được khuyên nên thử điều trị không xâm lấn trước khi xem xét phẫu thuật.
Tuy nhiên việc băn khoăn giữa phẫu thuật và các biện pháp điều trị khác là liệu nó có tạo ra sự khác biệt về lâu dài hay không, cái lợi thu về có xứng đáng với chi phí và rủi ro có thể gặp phải hay không. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng sau phẫu thuật, bệnh nhân giảm đau nhanh chóng nhưng về lâu dài kết quả không khác so với điều trị theo phương pháp bảo tồn không xâm lấn.
Vì vậy việc phẫu thuật hay không là do nhu cầu và điều kiện kinh tế của bệnh nhân. Điều quan trọng là bạn cần phải nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để có được phác đồ điều trị thích hợp và thời gian phục hồi hiệu quả.