You are currently viewing Các nguyên nhân gây chóng mặt ở người cao tuổi và cách cải thiện

Các nguyên nhân gây chóng mặt ở người cao tuổi và cách cải thiện

Nếu cha mẹ bạn đang gặp tình trạng chóng mặt thường xuyên, hãy lắng nghe và quan tâm đến họ nhiều hơn. Bởi chứng chóng mặt ở người cao tuổi có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn các nguyên nhân gây ra chứng chóng mặt ở người cao tuổi và cách cải thiện tình trạng này.

Các nguyên nhân phổ biến gây ra chứng chóng mặt ở người cao tuổi

Cơn chóng mặt ở người cao tuổi thường xảy ra một cách đột ngột nhưng chấm dứt cũng rất nhanh, có thể chỉ xảy ra trong mấy giây rồi hết và cứ lặp lại như vậy. Chứng chóng mặt có thể gặp ở độ tuổi 20-80 nhưng tỷ lệ mắc cao hơn là ở độ tuổi 50-60 và cũng dễ gây nguy hiểm hơn.

Chứng chóng mặt ở người cao tuổi có thể do sinh lý, có thể do bệnh lý và cũng có thể do cả 2 nguyên nhân này.

Không nên chủ quan với chứng chóng mặt ở người cao tuổi.
Không nên chủ quan với chứng chóng mặt ở người cao tuổi.

Về nguyên nhân sinh lý, sự suy giảm chức năng của cơ quan thăng bằng là nguyên nhân thường gặp gây ra chứng chóng mặt ở người già. Khi tuổi tác tăng dần, cơ thể dần lão hóa và trong đó, ba cơ quan tham gia vào điều khiển chức năng thăng bằng cũng bị thoái hóa.

Các cơ quan đó bao gồm cơ quan thăng bằng trong tai (cầu nang, soan nang, các ống bán khuyên) bị thoái hóa, nghe kém, mắt bị lão thị dẫn đến khả năng nhìn kém, trương lực cơ giảm và các cấu trúc tại thùy não bị teo khiến sự phối hợp vận động của các cơ quan không còn tốt như trước.

Ngoài ra, người già cũng thường mắc nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, suy thận, xơ vữa động mạch,… và việc sử dụng thuốc điều trị cho các bệnh này cũng có thể dẫn tới chứng chóng mặt ở người cao tuổi.

Về nguyên nhân bệnh lý, chứng chóng mặt ở người cao tuổi có thể do những nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm hàng đầu như bệnh tim, xơ vữa động mạch, bệnh lý mạch máu não.

Khi thực hành lâm sàng hàng ngày và tiếp cận với chứng chóng mặt ở người già, các bác sĩ phân thành 2 nhóm là chóng mặt ngoại biên và chóng mặt trung ương. Theo một báo cáo thống kê các nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt ở người cao tuổi là:

  • Tổn thương tiền đình ngoại biên: do xơ hóa tai trong, thiểu năng tuần hoàn động mạch tai trong hoặc chóng mặt tư thế kịch phát.
  • Tổn thương tiền đình trung ương: do mắc bệnh lý mạch máu não hoặc u não.
Chóng mặt ở người già có thể do cả yếu tố sinh lý và bệnh lý.
Chóng mặt ở người già có thể do cả yếu tố sinh lý và bệnh lý.

Cải thiện chứng chóng mặt ở người cao tuổi

Để cải thiện tình trạng chóng mặt ở người cao tuổi, trước hết cần chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh hoặc trong một vài trường hợp đặc biệt, người bệnh cần tiến hành trị liệu rồi mới tìm ra nguyên nhân trong thời gian điều trị. Trong khi điều trị chóng mặt, người bệnh cũng cần được khám tỉ mỉ, có thể kết hợp với các khoa thần kinh, khoa mắt, tai mũi họng,… và các thăm dò cận lâm sàng khác.

Thông thường, người cao tuổi lo lắng và sợ hãi nhiều hơn là thực sự có tổn thương thực thể. Nếu gặp chóng mặt tư thế kịch phát, người bệnh có thể chữa trị theo 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Chữa các triệu chứng

Giai đoạn này kéo dài từ 2 – 3 ngày để làm giảm các triệu chứng khó chịu ở người bệnh. Nếu cơn chóng mặt xảy ra, người cao tuổi cần nằm ở nơi có không gian yên tĩnh, ít ánh sáng và nên nằm nghiêng về phía không gây chóng mặt. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc an thần nhẹ theo tư vấn của bác sĩ và nên ăn những loại thức ăn dễ tiêu hóa.

  • Giai đoạn 2: Nâng đỡ sức khỏe

Giai đoạn này sẽ từ 10 ngày đến 2 tuần. Trong thời gian này, người bệnh có thể có những hoạt động nhẹ nhàng, tránh đi lại trên cao hoặc ngồi xe,… và có thể kết hợp uống tiếp thuốc chống chóng mặt 7 ngày theo chỉ định của bác sĩ.

  • Giai đoạn 3: Tập luyện, điều trị cơ bản

Giai đoạn cuối cùng này sẽ kéo dài trong nhiều tháng. Người cao tuổi sẽ tập các bài tập nhằm rèn luyện tiền đình chịu đựng được các thay đổi tư thế và dần dần phục hồi hoàn toàn.

Bài tập như sau:

  • Người bệnh ngồi trên giường và thả chân dưới sàn sau đó nhắm mắt thư giãn.
  • Tiếp đến, dần dần nghiêng đầu về 1 phía cho đến khi nằm ngang trên giường.
  • Giữ tư thế đó trong 30 giây rồi trở lại tư thế cũ và ngồi trong 30 giây tiếp. Sau đó chuyển sang bên kia.
  • Nên thực hiện 3-5 lần mỗi lần tập. Duy trì tập cả sáng và tối, trong 1-2 tháng.
Cần giữ tâm trạng vui vẻ và tránh căng thẳng quá mức.
Cần giữ tâm trạng vui vẻ và tránh căng thẳng quá mức.

Trong thời gian này, bệnh nhân không sử dụng chất kích thích, rượu bia, cà phê,… và tránh căng thẳng quá mức.