Bệnh loãng xương ở người già là bệnh lý rất phổ biến, nó biểu hiện mức độ nặng nhẹ khác nhau ở mỗi người, gây ra những cơn đau và ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt và đời sống. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn có thêm những hiểu biết về bệnh loãng xương, nguyên nhân gây bệnh cũng như cách phòng tránh và điều trị bệnh.
1. Bệnh loãng xương ở người già là bệnh gì?
Bệnh loãng xương ở người già là bệnh lý thường gặp do quá trình lão hóa. Đó là tình trạng các xương bị thưa, xốp và bị giảm khối lượng. Khi đó, người bệnh dễ bị lún cột sống và gãy xương gây ra nhiều cơn đau đớn dữ dội, ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt.
2. Nguyên nhân gây bệnh loãng xương ở người già là gì?
Các chuyên gia chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân gây bệnh loãng xương ở người già.
- Xương trở nên mỏng hơn theo thời gian. Bên cạnh đó, người cao tuổi ít vận động, hạn chế ra ngoài, giảm khả năng tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời nên quá trình tái tạo xương giảm.
- Các cơ quan trong cơ thể cũng dần lão hóa ở độ tuổi này, do đó làm giảm khả năng hấp thụ canxi.
- So với nam giới, nữ giới ở độ tuổi này có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn, nhất là phụ nữ mãn kinh, do suy giảm nội tiết estrogen, tăng thải canxi niệu, suy giảm hormon tuyến cận giáp.
- Ngoài ra, những chấn thương về xương trước đó cũng làm tăng khả năng mắc bệnh loãng xương ở người già.
- Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều thuốc tránh thai ở phụ nữ, người bệnh dùng nhiều thuốc có chứa corticoid… đều có nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
3. Dấu hiệu bệnh loãng xương ở người già
Bệnh loãng xương là căn bệnh âm thầm, chỉ khi xuất hiện các biến chứng mới có các triệu chứng đặc trưng:
- Đau nhức xương, dễ gãy xương khi va chạm hoặc ngã nhẹ.
- Ở thắt lưng và 2 bên mạn sườn có đau kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống. Khi người bệnh vận động thì cơn đau trở nên dữ dội và chỉ giảm khi nằm nghỉ ngơi.
- Giảm chiều cao so với khi còn trẻ, gù hoặc vẹo cột sống.
- Tình trạng chuột rút thường gặp hơn, đổ mồ hôi nhiều, ớn lạnh.
4. Vậy bệnh loãng xương ở người già có nguy hiểm không?
Đừng chủ quan khi nghĩ bệnh loãng xương ở người già không nguy hiểm do nó không trực tiếp đe dọa tới tính mạng con người. Nếu không điều trị loãng xương kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm. Nhẹ, bệnh loãng xương ở người già ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, nó có thể gây tàn phế hoặc tử vong ở mức độ nặng.
Những biến chứng của bệnh loãng xương ở người già thường gặp là:
- Bệnh loãng xương gây mất ngủ, trầm cảm. Cơn đau khiến cho những người cao tuổi vốn đã khó ngủ nay càng khó ngủ hơn. Đau nhức kèm theo mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý, khiến người cao tuổi dễ bị trầm cảm.
- Dễ bị gãy xương và việc điều trị cũng trở nên phức tạp. Nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới tàn phế, thậm chí tử vong.
5. Phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương ở người già bằng cách nào?
Bệnh loãng xương ở người già rất thường gặp, chúng ta cần có những phương pháp phòng ngừa cũng như điều trị bệnh hợp lý:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung vitamin C và vitamin D bằng các loại rau có màu xanh đậm như họ cải và các hải sản có vỏ. Người già nên duy trì thói quen uống sữa hàng ngày cũng như các chế phẩm từ sữa.
- Bên cạnh ăn uống, cần có chế độ luyện tập thể thao phù hợp để tăng cường vững chắc xương khớp như đi bộ, chạy bộ…
- Ngoài ra có thể sử dụng một số loại thuốc bên cạnh thuốc giảm đau: Bổ sung canxi, vitamin D, thuốc điều trị loãng xương, chống hủy xương… tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân.
Bệnh loãng xương ở người già là căn bệnh phổ biến, thường gặp gây ra nhiều cơn đau đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Chúng ta không thể chủ quan với bệnh này, cần theo dõi tình trạng bệnh, tới ngay các cơ sở y tế thăm khám để được điều trị nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm.