Chăm sóc người bệnh cao tuổi rất quan trọng và cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Bởi bệnh tật có thể khiến sức khỏe và tâm lý của người cao tuổi suy yếu, đồng thời khiến chất lượng cuộc sống của họ bị suy giảm đáng kể. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn 5 điều quan trọng nhất và cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh cao tuổi.
1. Quan tâm đến tâm lý, tâm trạng người bệnh cao tuổi
Người cao tuổi khi mắc bệnh sẽ thường một vài tình trạng tâm lý như: dễ buồn tủi, cô đơn; dễ cáu gắt; nhạy cảm và muốn được quan tâm nhiều hơn;… Chính vì vậy, khi chăm sóc người bệnh cao tuổi cần đặc biệt quan tâm đến tâm lý và những biến đổi tâm trạng của người bệnh.
Mọi người trong gia đình nên thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện, tâm sự với người bệnh cao tuổi và có thể chủ động tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động thể thao với người bệnh vào những lúc rảnh rỗi. Giữ tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc, yêu đời là liều thuốc tốt nhất cho người bệnh cao tuổi luôn khỏe mạnh.
2. Nắm rõ tình trạng bệnh lý người cao tuổi
Các thành viên trong gia đình đều cần quan tâm đến việc chăm sóc người bệnh cao tuổi và nắm rõ tình trạng bệnh lý của người bệnh để có những liệu trình điều trị bệnh phù hợp cũng như có cách thức quan tâm hợp lý. Từ đó giúp người cao tuổi có cuộc sống vui khỏe, hạnh phúc và kéo dài tuổi thọ. Chúng ta cần thường xuyên thăm hỏi, quan tâm đến người cao tuổi, xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ và cổ vũ người cao tuổi vận động với cường độ phù hợp sức khỏe.
3. Đưa người bệnh cao tuổi đi khám định kỳ
Người cao tuổi thường mắc một hoặc một vài bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, viêm phổi, bệnh xương khớp,… Điều trị cho người bệnh cao tuổi thường khó khăn và mất nhiều thời gian bởi cơ thể người già bị lão hóa khá nhanh theo độ tuổi tăng dần và dẫn đến khả năng phục hồi kém đi. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp người bệnh cao tuổi được điều trị tốt hơn và phòng tránh được nhiều loại bệnh. Do đó, khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi là vô cùng cần thiết.
4. Xây dựng chế độ dinh dưỡng giàu thực vật, giảm chất béo
Các lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống giúp chăm sóc người bệnh cao tuổi tốt hơn như sau:
- Nên ăn nhiều rau củ và các loại trái cây.
- Ăn đa dạng các loại cá, cua, tôm,…
- Bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, hạt diêm mạch, yến mạch, ngô,…
- Bổ sung các chất dinh dưỡng và khoáng chất từ các loại sữa phù hợp bệnh lý người cao tuổi.
- Hạn chế thức ăn mặn, thức ăn đóng hộp,…
- Hạn chế thịt đỏ, nội tạng động vật.
- Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào,…
Ngoài ra, phụ thuộc vào bệnh trạng của người bệnh cao tuổi, các bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để có thực đơn dinh dưỡng chi tiết hơn, phù hợp với người bệnh.
5. Khuyến khích người bệnh cao tuổi tham gia vận động phù hợp
Tham gia vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe và tập luyện thường xuyên sẽ giúp người cao tuổi dẻo dai hơn, khỏe hơn, phòng ngừa được nhiều bệnh và giúp tâm trạng vui vẻ, thoải mái.
Trước hết, chúng ta cần xác định loại hình tập luyện phù hợp với sức khỏe người bệnh cao tuổi: thường là các loại vận động nhẹ nhàng (như dưỡng sinh, khiêu vũ,…) và thích hợp để cải thiện bệnh lý. Tiếp đó, gia đình nên cùng tham gia các hoạt động với người cao tuổi hoặc khuyến khích người cao tuổi tham gia vào các hội nhóm, câu lạc bộ ca hát, nhảy múa, khiêu vũ, dưỡng sinh,… ở địa phương.
Việc tham gia vào các câu lạc bộ, hội nhóm người cao tuổi như vậy sẽ giúp người bệnh cao tuổi có thêm nhiều người bạn chia sẻ về các vấn đề tâm tư tuổi già, cùng rèn luyện thể chất và cùng chia sẻ các bí quyết chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trên đây là những điều cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh cao tuổi mà mọi người nên lưu lại để chăm sóc ông bà, cha mẹ mình tốt hơn. Mong rằng bài viết cung cấp được những điều bạn đang quan tâm và đang tìm kiếm cho cha mẹ mình.