You are currently viewing Bệnh suy tim ở người già

Bệnh suy tim ở người già

Người cao tuổi phần lớn có bệnh về tim mạch mà kết quả cuối cùng là suy tim. Suy tim là do tổn thương thực thể tại tim gây ra nhưng cũng còn do các bệnh của hệ thống mạch mang lại.

Dấu hiệu để nhận biết suy tim ở người già.

Dấu hiệu hay gặp nhất là khó thở, dễ nhầm sang bệnh về phổi nhưng thực tế là vì tim. Ban đầu, khó thở chỉ xảy ra khi gắng sức nhưng về sau trở thành thường xuyên, kể cả lúc nghỉ ngơi. Khó thở thường tăng lên khi nằm nên các cụ phải ngồi dậy mới thấy dễ chịu.

Các triệu chứng khác như mệt mỏi, phù chân, tiểu đêm nhiều làm cho cuộc sống bị suy giảm các ngày càng rõ rệt.

Còn một triệu chứng nữa rất kín đáo, khó phát hiện là ho khan, ho không có đờm, kéo dài và tăng lên mỗi khi nằm.

Có thể khái quát là người cao tuổi khi bị suy tim thì thường xuyên mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, tức ngực, ho khan, khó thở, phù, rất dễ bị đột tử khi gắng sức.

Việc phát hiện các triệu chứng suy tim ở người cao tuổi rất quan trọng. Nhờ đó mà bệnh được phát hiện sớm nên việc điều trị mang lại hiệu quả tốt nhất và đặc biệt là tránh được tử vong bất ngờ.

Suy tim ở người cao tuổi khó chữa khỏi hoàn toàn nên mọi chăm sóc điều trị đều nhằm mục đích giảm bớt các triệu chứng và làm chậm lại quá trình suy tim. Tốt nhất nên đưa các cụ tới các trung tâm chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán chính xác và có phương án dự phòng và được điều trị kịp thời, đúng đắn nhất.

Sau đây là một số vấn đề liên quan đến sinh hoạt và ăn uống giúp cải thiện cuộc sống của người cao tuổi bị bệnh tim. Có những vấn đề vô cùng đơn giản nhưng lại rất bổ ích không những có lợi cho tim mà còn giúp các cụ tăng cường sức khỏe nói chung.

Quy tắc trong sinh hoạt hàng ngày để bảo vệ tim

  • Nhớ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước

Nghe thì có vẻ không liên quan nhưng các nhà khoa học Đức đã nghiên cứu với 570 trường hợp và thu được kết quả như sau:
Những người rửa tay thường xuyên sẽ có hệ thống động mạch hoạt động tốt, ít bị nhiễm khuẩn và ít bệnh về tim so với những người ít rửa tay.

  • Nên đọc sách thường xuyên, tạo thành thói quen hàng ngày.

Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ phát hiện: Những người năng đọc sách, đọc truyện, đọc báo, làm thơ…mỗi ngày 30 phút thì nhịp tim giảm đáng kể và ít bị căng thẳng, tránh được nguy cơ mắc bệnh tim.

Đọc sách báo còn giúp nâng cao kiến thức và đặc biệt làm chậm lại quá trình suy giảm trí nhớ ở người già.

  • Nên cười nhiều.

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) đã có cuộc nghiên cứu kéo dài trong 10 năm ở 1.300 đàn ông khỏe mạnh, có thái độ sống tích cực, vô tư thoải mái, nhiều niềm vui, cười nhiều…thì ít mắc bệnh về tim và giảm tỷ lệ tử vong do tim so với nhóm người sống tiêu cực (luôn cau có và khổ đau).

Các cụ cao tuổi của chúng ta cũng có kinh nghiệm về tác động của nụ cười – Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.

  • Đừng để bàng quang căng đầy và phải cho ra hết nước tiểu mỗi khi tiểu tiện. Các chuyên gia Đài Loan thông báo: Bàng quang mỗi khi quá căng sẽ làm tăng nhịp tim trung bình lên 9 nhịp/phút và hạn chế dòng chảy của máu lưu thông tới 19% dẫn tới làm tăng cơn đau tim. Đó là cách bảo vệ tim rất hiệu nghiệm.
  • Luyện tập chuyên cần làm tăng độ nhạy của insulin (nội tiết tố của tụy tạng) làm giảm đường huyết.

Đó là nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ): Đàn ông năng tập luyện thể thao, trung bình mỗi tuần tập 4 lần và mỗi lần kéo dài 45 phút sẽ làm tăng độ nhạy của insulin lên 43%, hạn chế dược biến chứng của bệnh đái tháo đường và làm tăng sức khỏe tim mạch.

  • Nên nghe nhạc mỗi sáng: Giúp kiểm soát được stress, làm giảm huyết áp và tăng thêm hưng phấn cho một ngày lao động.
  • Súc miệng, đánh răng đều đặn 2 lần/ngày vào các buổi sáng, tối sẽ làm giảm lượng vi khuẩn khu trú trong miệng từ 200-300%. Nguy cơ đau tim giảm chính là nhờ hạn chế được tác hại của vi khuẩn gây bệnh xâm nhập hệ tuần hoàn dẫn tới tim.
  •  Ăn gừng, nghệ hàng ngày rất tốt cho tim vì chúng chứa nhiều yếu tố kháng khuẩn và chống viêm.
  • Ăn hạt bí ngô: Chỉ cần 28g hạt bí ngô là đủ lượng magie dùng trong ngày.Thiếu magie, cholesterol sẽ tăng kéo theo xơ vữa động mạch và tăng huyết áp có hại cho tim.
  • Cần bổ sung crom. Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, đàn ông có nồng độ crom thấp sẽ không tốt cho tim.

Tự chăm sóc bản thân để bảo vệ sức khỏe người già.

  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa phải.
  • Theo dõi huyết áp và giữ thường xuyên ổn định, không để huyết áp vượt mức 140/90. Trên ngưỡng đó rất có hại cho tim (nhồi máu cơ tim, đột quỵ). Huyết áp ổn định không những giảm nguy cơ bệnh tim và còn hạn chế được nhiều biến chứng khác ở người cao tuổi.
  • Không ăn các loại thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao.
  • Nên ăn thành nhiều bữa trong ngày. Chia nhỏ thành 5-6 bữa trong ngày sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim tới 10-20%.
  • Nên ăn mỗi tuần 2 bữa cá, đó là khuyến cáo của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ.
  • Ăn cá có tác dụng làm giảm huyết áp và khử màng tiểu cầu bám vào thành động mạch.
  • Không ăn loại thực phẩm rán đi rán lại nhiều lần.
  • Người cao tuổi nên nhớ uống đủ 1,5l nước/ ngày và ngủ đủ thời gian 7-8h trong 1 ngày đêm thì sức khỏe tim mạch sẽ được cải thiện rõ rệt.

Bệnh tim mạch chiếm vị trí hàng đầu đối với người cao tuổi mà nguy hiểm nhất là suy tim. Chúng ta phải biết cách phát hiện được sớm nhờ căn cứ vào các triệu chứng của suy tim để theo dõi, kiểm tra và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Theo “Bí quyết sống khỏe an hưởng tuổi vàng”

Trả lời