You are currently viewing Hướng dẫn chăm sóc người thân bị bệnh Parkinson

Hướng dẫn chăm sóc người thân bị bệnh Parkinson

Khi một người nào đó mà bạn yêu thương mắc bệnh Parkinson, bạn sẽ tận mắt chứng kiến ​​những ảnh hưởng mà tình trạng bệnh có thể gây ra đối với họ. Các triệu chứng như cử động cứng nhắc, thăng bằng kém và run trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ và những triệu chứng này có thể trở nên trầm trọng hơn khi bệnh tiến triển.

Người thân của bạn cần được giúp đỡ và hỗ trợ thêm để có thể hoạt động và duy trì chất lượng cuộc sống của họ. Đừng bỏ rơi họ, hãy ở bên và giúp đỡ họ từ việc ghé tai thân thiện khi họ cần trò chuyện, đến việc đưa họ đến gặp bác sĩ.

Đa số bệnh nhân Parkinson đều phát triển bệnh từ 60 tuổi. Đó cũng được coi như căn bệnh của người cao tuổi. Dưới đây là những việc bạn cần phải làm để có thể giúp người bạn yêu thương kiểm soát bệnh Parkinson:

1. Tìm hiểu mọi thứ về căn bệnh này

Bệnh Parkinson là một bệnh rối loạn vận động. Nếu bạn là người chăm sóc người bệnh Parkinson, bạn có thể đã quen với một số triệu chứng của bệnh. Nhưng bạn có biết nguyên nhân gây ra các triệu chứng của nó, tình trạng tiến triển như thế nào hoặc những phương pháp điều trị nào có thể giúp kiểm soát nó? Hơn nữa, biểu hiện của Parkinson ở những người khác nhau sẽ không giống nhau.

Để bạn có thể trở thành người đồng hành tốt nhất cho người thân của mình, hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt về bệnh Parkinson. Những kiến thức này sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị cho những gì khó khăn sắp diễn ra trong cuộc sống của bạn cũng như người bệnh.

2. Tình nguyện giúp đỡ

Những trách nhiệm hàng ngày như mua sắm, nấu nướng, dọn dẹp trở nên khó khăn hơn nhiều khi ai đó mắc chứng rối loạn vận động. Chính vì vậy mà những người mắc bệnh Parkinson cần được giúp đỡ trong những công việc này nhưng họ sẽ cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ, thậm chí thấy mình vô dụng khi phải yêu cầu giúp đỡ.

Bạn hãy chủ động quan sát và đề nghị làm giúp họ những công việc lặt vặt, chuẩn bị bữa ăn, lái xe đến các cuộc hẹn khám bệnh, đi mua thuốc và tự mình thực hiện bất kỳ công việc hàng ngày nào khác mà họ gặp khó khăn.

3. Hoạt động thể chất

Tập thể dục là quan trọng đối với tất cả mọi người, nhưng nó đặc biệt hữu ích đối với bệnh nhân Parkinson. Nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục giúp não sử dụng dopamin – một chất hóa học liên quan đến chuyển động – hiệu quả hơn.

Tập thể dục giúp cải thiện sức mạnh, sự cân bằng, trí nhớ và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân Parkinson. Nếu người thân của bạn không vận động, hãy khuyến khích họ vận động bằng cách cùng nhau đi dạo mỗi ngày. Hoặc, đăng ký một lớp học khiêu vũ hoặc yoga cùng nhau; cả hai môn thể dục này đều hữu ích để cải thiện sự phối hợp.

4. Giúp người thân của bạn cảm thấy bình thường

Một căn bệnh như Parkinson có thể cản trở cuộc sống bình thường của một người nào đó. Bởi vì mọi người có thể tập trung quá nhiều vào căn bệnh và các triệu chứng của nó mà không còn để ý đến chính bản thân họ. Dần dần, họ có thể mất cảm giác về bản thân.

Giải pháp tốt nhất là khi bạn nói chuyện với người thân của mình, đừng liên tục nhắc họ rằng họ mắc bệnh mãn tính. Hãy nói về những chủ đề khác vui vẻ hơn – như bộ phim hoặc cuốn sách mới yêu thích của họ.

5. Hãy cùng nhau đi ra ngoài

Một căn bệnh mãn tính như Parkinson có thể khiến cho bệnh nhân cảm thấy cô lập và cô đơn. Nếu người thân của bạn không chủ động ngoài nhiều, hãy đưa họ ra ngoài. Bạn có thể cùng họ đi ăn tối hoặc xem phim.

Bạn hãy chuẩn bị cho họ một số chỗ để thay đổi không khí như: một nhà hàng, một nhà hát, một rạp chiếu phim. Và hãy sẵn sàng một kế hoạch B ngay tại nhà nếu người ấy không đủ khỏe để ra ngoài.

6. Hãy kiên nhẫn lắng nghe

Cảm giác của người bị bệnh Parkinson có thể rất khó chịu và bực bội khi phải sống với một tình trạng sức khỏe ngày càng giảm sút và khó lường. Sự lo lắng và sợ hãi sẽ khiến bệnh nhân Parkinson rơi vào sự khủng hoảng và trầm cảm. Đôi khi chỉ cần đưa ra một bờ vai để họ khóc hoặc một cái ghé tai thân thiện cũng sẽ là một món quà to lớn. Khuyến khích người thân của bạn nói về cảm xúc của họ và cho họ biết bạn đang lắng nghe.

7. Để ý các triệu chứng xấu đi

Các triệu chứng Parkinson tiến triển theo thời gian. Nhận biết bất kỳ thay đổi nào trong khả năng đi lại, phối hợp, thăng bằng, mệt mỏi và giọng nói của người thân của bạn. Ngoài ra, hãy để ý những thay đổi trong tâm trạng của họ.

Những người bị Parkinson thường bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong quá trình mắc bệnh của họ. Nếu không điều trị, trầm cảm có thể dẫn đến suy giảm thể chất nhanh hơn. Bạn nên động viên người bệnh tới gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần để được tư vấn và giải tỏa nếu họ cảm thấy buồn. Điều quan trọng là họ phải thực hiện cuộc hẹn với bác sĩ tâm lý.

8. Hãy kiên nhẫn

Lại một lần nữa chúng tôi nhắc tới từ kiên nhẫn. Nhưng đây là điều bạn phải luôn tự nhủ mình. Đừng nôn nóng!

Parkinson có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng đi lại và nói chuyện của bệnh nhân. Nếu họ bắt đầu gặp vấn đề về nói thì bạn có thể đưa người thân của mình tới gặp bác sĩ trị liệu ngôn ngữ để dạy họ các bài tập cải thiện âm lượng và cường độ giọng nói. Đối với việc đi lại cũng vậy, chuyên gia trị liệu vật lý sẽ có ích đối với cả bệnh nhân và người chăm sóc như bạn.

Khi trò chuyện hoặc đi đâu đó với người bệnh, bạn hãy kiên nhẫn. Họ có thể mất nhiều thời gian hơn bình thường để trả lời bạn. Hãy mỉm cười và lắng nghe.

Hãy di chuyển phù hợp với tốc độ của họ. Đừng vội vàng. Nếu việc đi lại trở nên quá khó khăn, hãy khuyến khích họ sử dụng xe tập đi hoặc xe lăn. Đối với việc nói chuyện cũng vậy, bạn có thể chuyển sang hình thức giao tiếp khác.

Kết luận

Người cao tuổi sẽ không tránh khỏi những vấn đề về sức khỏe. Ngay việc già đi và cảm thấy mình là gánh nặng của con cái đã khiến người cao tuổi sống thu mình và không còn cởi mở. Giờ đây, khi mắc phải căn bệnh khó lường như Parkinson, họ sẽ cảm thấy tồi tệ và suy nghĩ tiêu cực.

Điều quan trọng đối với người bệnh và gia đình chính là cùng nhau trải qua, cùng nhau sẻ chia và thành thật với nhau. Chúc bạn chăm sóc bệnh nhân của mình tốt nhất có thể.

Nếu cần thêm thông tin, bạn có thể tham khảo các bài viết dưới đây:

  • Ngôi nhà an toàn cho bệnh nhân Parkinson (yaocare)
  • Những điều bệnh nhân Parkinson cần lưu ý khi vận động (yaocare)

Trả lời