You are currently viewing Huyết áp thấp ở người cao tuổi là gì? Có gây nguy hiểm không?

Huyết áp thấp ở người cao tuổi là gì? Có gây nguy hiểm không?

Huyết áp thấp ở người cao tuổi tuy không phổ biến như tăng huyết áp nhưng là một loại bệnh khá nguy hiểm không khác gì tăng huyết áp. Bài viết sau đây sẽ giúp chúng ta có thêm những hiểu biết về bệnh huyết áp thấp, nguyên nhân và cách phòng tránh loại bệnh này.

Huyết áp thấp ở người cao tuổi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Huyết áp thấp ở người cao tuổi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Huyết áp thấp ở người cao tuổi là bệnh gì?

Như chúng ta đã biết, chỉ số huyết áp trung bình của người trưởng thành dao động ở mức 120/80mmHg. Nếu người trưởng thành có chỉ số huyết áp thấp hơn chỉ số huyết áp trung bình thì được coi là huyết áp thấp và nặng hơn là dưới 90/60mmHg. Và để đánh giá có bị huyết áp thấp hay không phải được đo huyết áp đúng quy định và phải do người biết đo huyết áp đo.

Huyết áp thấp ở người cao tuổi là một bệnh nguy hiểm bởi vì ở độ tuổi xế chiều, bệnh này rất dễ khiến người bệnh đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong.

2. Các triệu chứng khi người cao tuổi bị huyết áp thấp

Huyết áp thấp ở người cao tuổi thường có những biểu hiện như: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt còn có thể buồn nôn, tim đập nhanh, ngất xỉu, đột quỵ, ăn không ngon, chán ăn, ngủ không yên giấc, dễ cáu giận, lạnh tay chân …. Đặc biệt khi đang ngồi mà đứng dậy bước đi dễ đột quỵ, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Do đó huyết áp thấp ở người cao tuổi rất nguy hiểm, rất cần được chú trọng và quan tâm.

Những triệu chứng phổ biến của huyết áp thấp.
Những triệu chứng phổ biến của huyết áp thấp.

3. Nguyên nhân huyết áp thấp ở người cao tuổi là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra huyết áp thấp ở người cao tuổi:

  • Rối loạn chức năng tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến yên dẫn đến người cao tuổi bị thiếu hụt hormone tuyến giáp, hoặc do giảm glucose máu, do thiếu hemoglobin.
  • Những người bị bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường, làm việc quá sức, người gầy yếu,… là những người dễ mắc phải bệnh huyết áp thấp.
  • Bệnh huyết áp thấp ở người cao tuổi còn do chế độ ăn uống thất thường, ăn ít hoặc các bữa cách xa nhau, thậm chí bỏ bữa, nhịn ăn, uống ít nước, không ăn rau, quả,… làm giảm thể tích và chất lượng máu.
  • Ăn uống kém làm dinh dưỡng kém, ảnh hưởng đến trương lực cơ tim, thành mạch, làm cho lưu lượng máu đi nuôi các cơ quan cũng bị ảnh hưởng, nhất là tim và não, dẫn đến hiện tượng huyết áp thấp.
  • Người ít vận động do thói quen hoặc do bệnh tật, do đặc thù nghề nghiệp phải ngồi lâu,… cũng là nguyên nhân gây bệnh huyết áp thấp.
  • Bên cạnh đó có những trường hợp chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh.

4. Lưu ý gì để phòng tránh huyết áp thấp ở người cao tuổi

Các chuyên gia đã đưa ra một số biện pháp để phòng tránh bệnh huyết áp thấp ở người cao tuổi, bao gồm:

  • Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, ăn đủ bữa, các bữa không cách nhau quá xa, ăn đủ lượng và chất. Mỗi ngày nên uống đủ lượng nước cần thiết. Người cao tuổi nên ăn nhiều rau, quả và có thể uống thêm nước hoa quả: cam, xoài,…
Thực phẩm giàu vitamin B12 tốt cho người huyết áp thấp.
Thực phẩm giàu vitamin B12 tốt cho người huyết áp thấp.
  • Có thể uống cà phê mỗi buổi sáng sau bữa ăn hoặc uống 1 ly rượu vang đỏ nhỏ mỗi bữa ăn nếu không mắc các bệnh về tim mạch, đường ruột, tiểu đường. Nước chè, nước sâm, nước nho, rau cần tây,… cũng là những thực phẩm giúp cải thiện huyết áp thấp ở người cao tuổi vì chúng có tác dụng làm tăng huyết áp. Tuy nhiên người cao tuổi cần có sự tư vấn của bác sĩ khi sử dụng các loại thực phẩm này.
  • Bên cạnh chế độ ăn hợp lý, người cao tuổi nên kết hợp vận động cơ thể hàng ngày bằng nhiều hình thức và tùy thuộc vào điều kiện từng người. Mỗi ngày nên vận động khoảng 30 đến 60 phút chia thành 2 đến 4 lần. Đi bộ là một hình thức vận động cơ thể rất tốt. Nhưng cần tránh đi bộ vào những lúc trời lạnh hoặc nắng nóng, chọn vị trí thích hợp để để đi bộ,…
  • Người cao tuổi cần ngủ đủ giấc. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp điều hòa hoạt động của trung tâm thần kinh, trong đó có trung tâm vận mạch. Cần tránh dùng các loại thuốc an thần, thuốc ngủ vì chúng gây đau đầu, giảm huyết áp.
  • Bổ sung muối: ăn mặn hơn người bình thường sẽ giúp cải thiện tình trạng huyết áp thấp. Có thể cung cấp lượng muối mỗi ngày từ 10 đến 15 gram.
  • Khi bị tụt huyết áp, cần cho người bệnh ngồi chỗ thoáng mát, để đầu thấp, nâng cao chân giúp lượng máu lên não tăng lên. Kiểm tra huyết áp bằng dụng cụ chuyên dụng, có phương pháp xử lý tùy tình trạng. Có thể cho người bệnh uống nước lọc, trà gừng,.., vuốt từ trán sang 2 bên thái dương hoặc đặt phần mềm của đầu ngón tay lên 2 thái dương, day đi day lại nhiều lần.