Hội chứng suy giảm trí nhớ ở người già là vấn đề sức khỏe thường gặp và được cảnh báo có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Theo một số báo cáo gần đây, có khoảng 50% người từ 85 tuổi trở lên mắc hội chứng này và đang tăng dần theo thời gian. Vì vậy, bài viết ngày hôm nay sẽ chia sẻ cho bạn 5 dấu hiệu suy giảm trí nhớ ở người già, nguyên nhân và cách phòng tránh hội chứng này.
Suy giảm trí nhớ ở người già là gì?
Suy giảm trí nhớ ở người già không phải một căn bệnh mà là một hội chứng lâm sàng gây ra bởi sự thoái hóa hoặc những tổn thương tới não bộ con người. Đây là thuật ngữ để chỉ tình trạng não bộ hoạt động không bình thường ở người già.
Ở não bộ con người sau tuổi 25, mỗi ngày có khoảng gần 3000 tế bào thần kinh bị phá hủy và không thể phục hồi. Tình trạng này xảy ra nhanh hơn ở độ tuổi 60 trở đi và có thể khiến hơn 50% người ở độ tuổi trên 85 mắc suy giảm trí nhớ.
Nguyên nhân nào khiến người già bị suy giảm trí nhớ?
Có 2 nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi là:
Do sự thoái hóa của não bộ khi độ tuổi tăng lên:
Khi con người càng lớn tuổi, tình trạng lão hóa của cơ thể sẽ diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, đặc biệt là não bộ của chúng ta. Từ đó, người già sẽ bắt đầu xuất hiện tình trạng rối loạn trí não và suy giảm khả năng ghi nhớ, nhận thức, tập trung, tư duy.
Do mắc các bệnh lý liên quan đến não bộ:
Suy giảm trí nhớ ở người già thường có thể là hệ lụy khi người bệnh gặp chấn thương vùng đầu hoặc mắc các bệnh như tai biến mạch máu não, viêm não, Alzheimer,… Những tổn thương và bệnh lý này có thể khiến người già mất trí nhớ tạm thời hoặc dài hạn.
Ngoài ra, người già sử dụng các loại thuốc chữa bệnh trong một thời gian dài cũng có thể là một tác nhân gây ra hội chứng suy giảm trí nhớ.
Các dấu hiệu suy giảm trí nhớ ở người già là gì?
5 dấu hiệu suy giảm trí nhớ ở người già thường thấy nhất là:
1. Suy giảm trí nhớ ngắn hạn
Vào giai đoạn đầu của hội chứng suy giảm trí nhớ ở người già, sự tổn thương ở não bộ còn ít, người bệnh sẽ thường có biểu hiện suy giảm trí nhớ ngắn hạn. Người bệnh có thể quên những việc mình vừa làm, quên những thông tin vừa tìm hiểu, quên các ngày tháng hoặc sự kiện quan trọng, hỏi đi hỏi lại một việc nào đó.
Khi bệnh nghiêm trọng hơn, người cao tuổi thậm chí có thể quên cả người thân của mình trong một khoảng thời gian ngắn.
2. Khả năng nhận thức về không gian, thời gian gặp khó khăn
Người cao tuổi mắc hội chứng suy giảm trí nhớ có thể bị mất phương hướng, gặp khó khăn trong việc đánh giá không gian và khoảng cách. Đôi lúc họ quên mất mình đang ở đâu và không nhớ nổi tại sao bản thân lại ở nơi đó.
3. Gặp khó khăn trong việc giao tiếp, diễn đạt
Người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ đôi lúc sẽ quên mất tên gọi của một vật dụng nào đó hoặc gặp khó khăn khi tìm từ ngữ để diễn đạt,… Thỉnh thoảng, họ sẽ nói đi nói lại một vấn đề hoặc lặp đi lặp lại một câu hỏi.
4. Gặp trở ngại trong sinh hoạt
Người bệnh có thể gặp khó khăn khi thực hiện các công việc hàng ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân, không nhớ trình tự mặc quần áo, không nhớ cách nấu ăn,… Nếu biểu hiện này nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ cần đến sự trợ giúp của người thân trong sinh hoạt hàng ngày.
5. Thay đổi hành vi, cảm xúc thất thường
Biểu hiện này có thể dễ dàng nhận thấy được khi người già trở nên thường xuyên bực tức, khó chịu hoặc buồn bã, đa nghi, lo lắng, cảm xúc thay đổi nhanh chóng. Ngoài ra, người già có xu hướng thu mình khỏi xã hội, tránh tham gia các hoạt động.
Phòng tránh hội chứng suy giảm trí nhớ ở người già như thế nào?
Người cao tuổi có thể phòng tránh hội chứng suy giảm trí nhớ nếu xây dựng được những thói quen dưới đây và thực hiện đều đặn từ sớm:
- Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh: ăn nhiều rau xanh, hoa quả, các loại ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế mỡ động vật; bổ sung Omega-3 từ cá; uống sữa dinh dưỡng;…
- Thường xuyên đọc sách, báo, chơi các trò chơi cần tư duy để não bộ được làm việc.
- Tập thể dục thường xuyên: dưỡng sinh, thái cực quyền,…
- Luôn giữ tâm trạng vui vẻ, lạc quan, tránh căng thẳng.
- Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện.