Dân số Việt Nam ngày càng già hơn, công nghệ cũng phát triển hơn rất nhiều. Sự giao thoa của hai xu hướng này khiến cuộc sống của người cao tuổi gặp khó khăn hơn bởi có quá nhiều công nghệ mới không thể thích nghi. Dưới đây là 8 khó khăn của người cao tuổi hiện nay có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
1. Mục đích sống và mức độ tham gia cộng đồng
Các chuẩn mực lỗi thời không còn phù hợp với lối sống hiện đại khiến người cao tuổi bị cô lập và gạt ra ngoài xã hội dù ở nông thôn hay thành thị. Nếu gia đình bạn có người cao tuổi, hãy giúp đỡ họ tham gia và duy trì các hoạt động với xã hội, điều này có ý nghĩa rất quan trọng tới sức khỏe và các mối quan hệ của họ.
Bạn cần nghiên cứu những cách thức mới và sáng tạo để không chỉ giúp họ vận động trí tuệ mà còn tạo ra cơ hội để người cao tuổi học tập, tham gia các hoạt động có ý nghĩa trong suốt cuộc đời.
2. Tình hình tài chính
Tuổi thọ của chúng ta đang ngày càng tăng lên và bảo hiểm xã hội cũng như lương hưu dần không theo kịp. Điều này cần các mô hình tài chính mới để đáp ứng được cuộc sống của người cao tuổi. Có lẽ đó cũng là lý do tuổi nghỉ hưu của người cao tuổi được tăng lên để giúp họ tiếp tục làm việc và tích lũy. Ngoài ra, cần tạo ra những việc làm thích hợp cho người cao tuổi có nhu cầu tăng năng lực tài chính.
3. Khả năng vận động
Có thể nói khả năng vận động là khó khăn lớn của người cao tuổi trong cuộc sống. Cùng với sự gia tăng của tuổi tác là ảnh hưởng của lão hóa đến sức khỏe người cao tuổi. Ảnh hưởng lớn của tuổi tác chính là bệnh đau nhức xương khớp, thoái hóa khớp, đốt sống dẫn đến khả năng vận động bị hạn chế. Lúc này, các đồ vật trong nhà cũng như tại nơi công cộng không còn phù hợp với người cao tuổi, thậm chí chúng trở thành vật cản, ảnh hưởng đến sự di chuyển của người cao tuổi. Điều này sẽ làm giảm đi sự an toàn, sự độc lập và cơ hội hòa nhập xã hội. Chính vì thế chúng ta cần trang bị các vật dụng giúp tối đa hóa sự an toàn, khả năng giữ thăng bằng, thể lực, tính độc lập và khả năng vận động của người cao tuổi.
4. Sinh hoạt hàng ngày
Đa phần chúng ta sẽ có lối sống đúng như tuổi tác của chúng ta, tuy nhiên không ít người ngoài 65 tuổi không thể tự phục vụ cuộc sống cơ bản của chính họ và lúc này họ cần sự hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày như: ăn uống, tắm rửa, thay quần áo.
Các thiết bị phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người lớn tuổi sẽ giúp họ dễ dàng vượt qua khó khăn và có thể tiếp tục những đam mê, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bạn có thể lắp đặt tay vịn, thảm chống trượt, xe lăn, sữa tắm khô, dầu gội đầu khô, những bộ quần áo dễ mặc….để giúp người cao tuổi có thể tăng sự độc lập của mình hơn.
5. Người chăm sóc
Người cao tuổi cần được chăm sóc và công việc này có thể do người thân đảm nhiệm hoặc được thực hiện bởi những nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp được trả lương. Tiêu chuẩn cần thiết để chăm sóc người cao tuổi là cần phải có độ nhạy bén, sự cảm thông và tận tụy để xử lý được các tình huống phức tạp.
Đây cũng là một trong những khó khăn ảnh hưởng đến cuộc của người cao tuổi bởi những người thân còn phải gánh vác các công việc khác và trách nhiệm khác, đồng thời lại sống xa người cao tuổi. Việc thuê người chăm sóc cũng không đơn giản bởi người có chuyên môn và nghiệp vụ chăm sóc tốt thì chi phí sẽ cao, thuê người giúp việc thông thường với chi phí thấp thì họ lại không có năng lực chăm sóc người cao tuổi có bệnh mãn tính.
6. Phối hợp chăm sóc
Việc phối hợp chăm sóc người cao tuổi có bệnh mãn tính hoặc khả năng vận động bị hạn chế, suy giảm trí nhớ rất phức tạp và khó khăn.
Cần phải có sự phối hợp ăn ý giữa bác sĩ điều trị, người thân, người chăm sóc thường xuyên để đảm bảo cập nhật những thông tin về tình trạng sức khỏe của người cao tuổi, từ đó có phác đồ điều trị đúng nhất.
7. Sức khỏe não bộ
Suy giảm trí nhớ là tình trạng phổ biến của người cao tuổi, đặc biệt bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong khá cao, đồng thời chi phí chăm sóc người bệnh khá tốn kém.
Mặc dù bệnh Alzheimer chưa có cách chữa khỏi nhưng chúng ta có thể sử dụng các thiết bị cũng như dịch vụ để nâng cao nhận thức cho người bệnh. Đồng thời đưa người cao tuổi đi khám bệnh định kỳ để chẩn đoán sớm, tối ưu hóa nhận thức và làm chậm quá trình suy giảm nhận thức, hỗ trợ người bệnh cũng như người chăm sóc.
Xem thêm: Chăm sóc bệnh nhân Alzheimer giai đoạn cuối
8. Cái chết
Cái chết là điều không thể tránh khỏi, nhưng điều đó không có nghĩa là việc chấp nhận nó trở nên dễ dàng. Người cao tuổi có tâm lý sợ chết khi ngày càng già đi, sức khỏe suy yếu. Chính điều này lại càng khiến cho cuộc sống của họ khó khăn hơn khi ngại vận động, ngại tham gia các hoạt động xã hội vì sợ ngã, sợ nguy hiểm…