Nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh suy tim ở người cao tuổi, bài viết này sẽ giải đáp cho bạn bệnh suy tim có nguy hiểm hay không, các nguyên nhân bệnh suy tim ở người cao tuổi và những lưu ý về dinh dưỡng để chăm sóc bệnh nhân cao tuổi mắc suy tim dễ dàng hơn.
Bệnh suy tim ở người cao tuổi có nguy hiểm?
Suy tim (hay suy tim sung huyết) ở người cao tuổi là tình trạng khi tâm thất bị rối loạn chức năng. Đó là khi áp lực trong tim tăng lên, hoạt động bơm máu của tim khó khăn hơn, không bơm đủ lượng máu và oxy cho các bộ phận khác của cơ thể.
Bệnh suy tim là một trong những bệnh mãn tính nguy hiểm bởi không chỉ khó chữa hoàn toàn mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng có thể đe dọa tính mạng người cao tuổi bất cứ lúc nào. Nếu không được chữa trị kịp thời và chữa trị không tốt, bệnh nhân suy tim có thể bị phù phổi cấp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đột tử do rối loạn nhịp tim,…
8 nguyên nhân của bệnh suy tim ở người cao tuổi
Bệnh suy tim ở người cao tuổi có nhiều khả năng xuất phát từ các bệnh lý dưới đây:
1. Tăng huyết áp
Theo nhiều nghiên cứu, việc điều trị tăng huyết áp không hiệu quả là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy tim ở người cao tuổi. Tăng huyết áp là tình trạng áp lực bơm máu đi khắp cơ thể trong các mao mạch quá cao. Khi đó trái tim phải làm việc nhiều hơn bình thường để tạo được lực đẩy với cường độ lớn tương ứng và khiến cơ tim bị tổn thương.
2. Bệnh về cơ tim
Những bệnh cơ tim thường thấy ở người già là giãn cơ tim, viêm cơ tim hoặc cơ tim phì đại. Tất cả những tổn thương phát sinh ở cơ tim (lạm dụng chất kích thích, nhiễm virus,…) đều có nguy cơ phát triển thành bệnh suy tim ở người cao tuổi.
3. Bệnh động mạch vành
Đây là tình trạng cholesterol và chất béo tích tụ trong động mạch và cản trở máu lưu thông đến tim. Hệ quả của nó là xơ vữa động mạch và kéo theo nhiều biến chứng khác: đau thắt ngực, đau tim,… Ngoài ra, bệnh động mạch vành còn là yếu tố góp phần gây tăng huyết áp ở người cao tuổi và nếu kéo dài có thể dẫn đến bệnh suy tim ở người cao tuổi.
4. Nhồi máu cơ tim
Cơn nhồi máu cơ tim thường có xu hướng xảy ra khi động mạch bị tắc nghẽn khi cung cấp máu cho cơ tim. Tình trạng thiếu máu, thiếu oxy và các chất dinh dưỡng sẽ gây tổn thương tới các mô tim một cách nghiêm trọng. Do đó, hoạt động co bóp của tim khó khăn hơn và diễn ra lâu ngày có thể làm khả năng bơm máu của tim yếu dần, dẫn đến bệnh suy tim ở người cao tuổi.
5. Van tim bất thường
Nguyên nhân của van tim bất thường có thể do nhiễm trùng, bẩm sinh hoặc do bệnh tật. Bệnh thường thấy là hở van tim hoặc hẹp van tim, khi đó cơ tim phải bơm mạnh hơn, hoạt động nhiều hơn để giữ máu di chuyển đều. Vì vậy, theo thời gian dài, trái tim có gánh nặng quá lớn và trở thành suy tim.
6. Đái tháo đường
Đái tháo đường (hay tiểu đường) đã được nhiều báo cáo chứng minh rằng có khả năng làm tăng nguy cơ suy tim ở người cao tuổi. Nguyên nhân là do nhiều bệnh nhân đái tháo đường có xu hướng gặp phải bệnh lý tăng huyết áp hoặc xơ vữa động mạch – tiền đề phát sinh bệnh suy tim ở người cao tuổi.
7. Bệnh tim bẩm sinh
Bệnh tim bẩm sinh là một trong những nguyên nhân thường thấy của bệnh suy tim ở người cao tuổi. Bởi nếu trái tim có khuyến khuyết, không phát triển bình thường từ trong bào thai thì những bộ phận khác của cơ thể sẽ phải làm việc nhiều hơn để bù đắp cho nó.
8. Bệnh phổi nghiêm trọng
Khi chức năng của lá phổi bị suy giảm rõ rệt, trái tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ oxy cho tất cả tế bào trong cơ thể con người. Gánh nặng tăng lên, tim làm việc hết công suất có thể dẫn đến suy tim.
Lưu ý về dinh dưỡng cho người cao tuổi mắc suy tim
Nên ăn gì?
- Các loại rau xanh, củ, quả: giàu chất xơ, ít chất béo xấu và giúp chống oxy hóa tốt.
- Các loại trái cây: chứa nhiều kali, chất xơ giúp làm giảm mỡ máu, kiểm soát huyết áp và duy trì tốt các hoạt động của tim mạch.
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt: chứa nhiều vitamin B, chất xơ, protein và Omega- 3 giúp điều hòa cholesterol trong máu, ngăn ngừa hình thành mảng bám trong thành mạch máu.
- Các loại cá: có nhiều Omega- 3 giúp làm giảm triglyceride trong máu cũng như giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Nên kiêng gì?
- Thức ăn mặn (sử dụng nhiều muối): có thể khiến cơ thể dễ bị giữ nước và bị phù, không tốt cho tim mạch.
- Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh: tăng nguy cơ gây béo phì, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch.
- Các loại thịt đỏ: chứa nhiều chất béo bão hòa khiến lượng cholesterol tăng cao.
- Đồ uống có cồn và cà phê: có thể gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, cơ tim giãn nở,…