Tai biến ở người cao tuổi hiện là một trong những bệnh có nguy cơ cao gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh và được đặc biệt quan tâm rất nhiều trong các năm gần đây. Và người cao tuổi là đối tượng có tỷ lệ mắc tai biến cao nhất. Vì vậy, bài viết này sẽ cho bạn biết bệnh tai biến ở người cao tuổi là gì cũng như những di chứng thường gặp và cách phòng tránh bệnh.
Tai biến ở người cao tuổi là bệnh gì?
Tai biến ở người cao tuổi là tên ngắn gọn của bệnh tai biến mạch máu não hay đột quỵ. Theo báo cáo hàng năm của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), tai biến ở người cao tuổi hiện là bệnh có nguy cơ gây tử vong cao thứ 2 ở Việt Nam và đứng thứ 10 trên thế giới.
Đột quỵ là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi, đang trở thành mối đe dọa với sức khỏe và tính mạng của con người. Do đó, chúng ta cần có những hiểu biết nhất định và hiểu biết đúng về bệnh này để sớm phòng ngừa.
Tai biến là tình trạng các mạch máu não (động mạch, tĩnh mạch hoặc mao mạch) bị tắc nghẽn hoặc vỡ một cách đột ngột mà không do chấn thương sọ não.
Khi tình trạng này xảy ra, các tế bào thần kinh trong não bị tê liệt và không thể làm việc được. Phần cơ thể do các tế bào thần kinh đó điều khiển cũng không hoạt động được.
Tai biến mạch máu não có thể chia thành 2 nhóm thường gặp nhất là tai biến do thiếu máu não và tai biến do xuất huyết não:
- Thiếu máu não là tình trạng thiếu máu cục bộ ở não, không đủ máu nuôi tế bào não khiến các tế bào não bị hoại tử.
- Xuất huyết não là tình trạng máu tràn vào phần mô não, gây phù não khiến các tế bào não chết dần và vỡ mạch não.
Các di chứng thường gặp của bệnh tai biến ở người cao tuổi
Tai biến ở người cao tuổi thường để lại nhiều di chứng cho người bệnh, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của họ. Các di chứng điển hình là:
- Rối loạn ngôn ngữ và khó nuốt: Sau cơn tai biến, người cao tuổi có thể gặp tình trạng khó kiểm soát cơ miệng khiến việc nói, nuốt khó khăn. Người bệnh có thể bị ngọng, nói lắp, thậm chí là không nói được.
- Liệt vận động: Người bệnh có thể bị liệt tay, chân hoặc cơ mặt, thậm chí là liệt nửa cơ thể. Trong trường hợp người bệnh bị liệt, thường nằm một chỗ thì họ có thể gặp tình trạng loét, co cứng cơ, viêm phổi,…
- Suy giảm nhận thức: Đây có lẽ là di chứng nghiêm trọng nhất. Các biểu hiện thường thấy là suy giảm trí nhớ, đầu óc không tỉnh táo, hay quên,… thậm chí thời gian lâu dần có thể mất trí nhớ hoàn toàn.
Phòng tránh tai biến ở người cao tuổi thế nào?
Tai biến ở người cao tuổi có thể phòng tránh được nếu bạn có lối sống lành mạnh, khoa học. Đặc biệt, phòng tránh tai biến ở người cao tuổi vào mùa đông là điều rất quan trọng. Người cao tuổi cần lưu ý những điều dưới đây để phòng tránh bệnh này:
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng thể định kỳ và điều trị tốt các bệnh nền đi kèm (nếu có).
- Kiểm soát cân nặng, đường huyết để luôn trong ngưỡng cho phép và ổn định.
- Kiểm soát cholesterol trong máu: Từ tuổi 45 trở lên, mọi người nên kiểm tra lipid máu định kỳ (6-12 tháng/lần), trong đó bao gồm cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C và triglyceride.
- Luôn giữ ấm cơ thể khi trời lạnh. Bởi khi đó, cơ chế điều hòa ở người già kém hơn và dễ dẫn đến tai biến mạch máu não.
- Tăng cường các vận động, tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe và vừa sức như yoga, dưỡng sinh, đi bộ,…
- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học: Không năn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt; hạn chế sử dụng muối; ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Không sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia,… và các chất kích thích (thuốc lào, thuốc lá,…).
- Tránh căng thẳng quá độ, chấn thương tâm lý.
- Luôn đi ăn ngủ nghỉ đúng giờ, không thức quá khuya và duy trì thói quen ngủ 7 tiếng/ngày.
- Nếu người cao tuổi xuất hiện biểu hiện bất thường của đột quỵ não, người nhà cần báo ngay cho bác sĩ điều trị.