Nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe răng miệng, chẳng hạn như bệnh nướu răng, mất răng, khô miệng và sâu chân răng, sẽ tăng lên khi chúng ta già đi. Chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi là điều rất quan trọng. Sức khỏe răng miệng kém cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng, bệnh tim và tiểu đường. Bệnh tật, thuốc men và tiền sử gia đình có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc dự đoán sức khỏe răng miệng của người cao tuổi.
Dưới đây là một số điều mà người cao tuổi có thể làm để ngăn chặn các vấn đề sức khỏe răng miệng và các bệnh khác.
1. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày để chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi
Người thân của bạn có thể đã nghe nói về tầm quan trọng của việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa kể từ khi họ còn là một đứa trẻ. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên là cách tốt nhất để tăng cường và duy trì sức khỏe răng miệng. Hầu hết các nha sĩ khuyên chúng ta nên đánh răng hai lần một ngày. Người cao tuổi nên sử dụng kem đánh răng có fluor vì nó có chứa lượng khoáng chất cao hơn.
Ngoài đánh răng, người cao tuổi cần xỉa răng mỗi ngày một lần. Nếu họ bị viêm khớp hoặc một tình trạng bệnh lý khác ảnh hưởng đến khả năng dùng chỉ nha khoa đúng cách, người cao tuổi có thể thử dùng tăm chỉ hoặc tăm nước để lấy đi các mảnh vụn thức ăn còn bám lại.
Người cao tuổi cần được hỗ trợ vệ sinh răng miệng khi họ không thể tự mình làm tốt công việc này. Bạn có thể giúp họ đánh răng từ phía sau, kiểm tra răng miệng họ sau khi vệ sinh để đảm bảo không còn dính thức ăn cũng như đã được làm sạch đúng cách.
2. Sử dụng bàn chải đánh răng phù hợp để chăm sóc răng miệng
Bàn chải đánh răng có lông mềm và đầu nhỏ có thể đi sâu vào trong miệng là lý tưởng cho người cao tuổi. Nếu người cao tuổi bị viêm khớp hoặc một tình trạng khác gây khó khăn trong việc chải răng, bạn hãy cân nhắc mua bàn chải đánh răng điện hoặc pin để họ được vệ sinh hàng ngày mà không quá vất vả. Người cao tuổi cũng cần được thay bàn chải ba tháng một lần hoặc khi lông bàn chải bắt đầu sờn. Bàn chải là dụng cụ giúp bạn chăm sóc răng miệng hữu hiệu nhất.
3. Không nên sử dụng thuốc lá
Người cao tuổi không nên hút thuốc lá bởi ngoài ung thư phổi, thuốc lá còn có thể gây ung thư miệng và cổ họng. Thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm có chứa đường, thậm chí có thể dẫn đến sâu răng và các bệnh về nướu. Bạn nên khuyên người cao tuổi của mình nên bỏ thuốc lá để có sức khỏe răng miệng tốt nhất.
4. Sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn để chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi
Vi trùng và vi khuẩn trong miệng có thể gây tích tụ mảng bám, bệnh nướu răng và cuối cùng là làm rụng răng. Người cao tuổi nên sử dụng nước súc miệng có đặc tính kháng khuẩn để giúp ngăn ngừa các vấn đề răng miệng này. Khuyến khích họ sử dụng nước súc miệng mỗi khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa để loại bỏ vi khuẩn khuấy động trong miệng trong khi làm sạch. Nếu người thân của bạn đeo răng giả, họ có thể dễ bị tích tụ vi khuẩn hơn.
Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng nước súc miệng sát khuẩn
5. Luôn uống nước đầy đủ sẽ tốt cho sức khỏe răng miệng
Nước tốt cho sức khỏe tổng thể của chúng ta bao gồm cả sức khỏe răng miệng. Để chăm sóc răng miệng hàng ngày cho người cao tuổi, họ cần bổ sung nước thường xuyên. Người cao tuổi cần uống đủ nước mỗi ngày, đặc biệt nếu họ đang sử dụng thuốc có phản ứng phụ gây khô miệng.
Người cao tuổi cũng không nên uống rượu nhiều vì có thể gây mất nước. Việc nhai kẹo cao su không đường, giúp tạo nước bọt và có thể ngăn miệng không bị khô. Hơn 30% người lớn tuổi bị khô miệng, có thể dẫn đến bệnh nướu răng và sâu răng.
6. Khám răng định kỳ để chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi
Khám nha khoa thường xuyên được khuyến khích cho tất cả mọi người, kể cả người cao tuổi. Họ cần tới khám răng thường xuyên hơn khi có bất kỳ vấn đề gì trong miệng, chẳng hạn như răng lung lay, khó ăn uống, đau, chảy máu, sưng tấy hoặc có cục u trong miệng. Bác sĩ sẽ kiểm tra các tình trạng răng miệng khác nhau tại mỗi lần khám, từ sâu răng đến ung thư miệng.
Để có thể chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi được tốt, bạn đừng quên nhắc họ đi khám răng định kỳ 2 lần/năm dù họ không có vấn đề gì với răng và nướu.
Xem thêm: Người cao tuổi vệ sinh răng miệng như nào mới đúng cách