Bệnh lao đã và đang là một bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc bệnh cũng như tử vong cao ở trên thế giới. Căn bệnh này không từ một ai, nhưng tỷ lệ mắc bệnh lao ở người cao tuổi thường cao hơn do thường mắc các bệnh lý tuổi già khác. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu bệnh lao ở người già là gì, cũng như nguyên nhân gây bệnh và cách phòng tránh bệnh lao.
1. Bệnh lao ở người cao tuổi là bệnh gì?
Bệnh lao ở người cao tuổi (bệnh lao phổi – ho lao) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm qua đường hô hấp, do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis tấn công vào phổi. Vi khuẩn này có thể “sống” từ 3 – 4 tháng trong điều kiện tự nhiên và trong phòng thí nghiệm nó có thể được bảo quản trong nhiều năm.
Vi khuẩn M. Tuberculosis ưa cư trú trong môi trường nhiều oxy, vì vậy mà vi khuẩn lao thường xâm nhập và cư trú ở phổi. Các hang lao có phế quản thông là nơi có nhiều vi khuẩn này nhất.
Bệnh lao ở người cao tuổi là căn bệnh rất nguy hiểm bởi nó dễ dẫn đến nhiều biến chứng, có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Do đó, người cao tuổi cần hết sức thận trọng với căn bệnh này.
2. Các triệu chứng bệnh lao ở người cao tuổi.
Bệnh lao ở người cao tuổi thường khó phát hiện. Lí do là bởi một vài triệu chứng như: sụt cân, mệt mỏi, sốt về chiều,… thường bị nhầm lẫn bởi các bệnh khác của người già.
Tuy nhiên, bệnh lao ở người già vẫn có những triệu chứng phổ biến và có thể nhận ra như:
- Ho khan nhưng không nhiều nên người bệnh nhiều khi sẽ không phát hiện mình ho từ lúc nào. Nếu ho kèm sốt nhẹ kéo dài cần đi khám.
- Ho có đờm, thường là đờm trắng.
- Ho ra máu, dần dần ít đến nhiều.
- Thường cảm thấy khó thở, phổi râm ran.
Nếu người cao tuổi có các dấu hiệu nghi mắc bệnh lao như trên, gia đình nên đưa họ đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám và sớm phát hiện, điều trị bệnh.
3. Nguyên nhân gây bệnh lao ở người cao tuổi.
Bệnh lao ở người cao tuổi là bệnh lây lan qua không khí. Nguồn bệnh là người hoặc động vật mắc vi khuẩn lao, bệnh dễ lây nhiễm khi nguồn bệnh ho, hắt hơi làm cho vi khuẩn bay ra ngoài không khí cùng nước bọt. Người ta có thể hít những vi khuẩn lao này vào phổi và mắc bệnh.
Người cao tuổi thường kèm theo các bệnh tuổi già làm cho bệnh lao phức tạp và không dễ điều trị. Người bị bệnh tiểu đường nếu điều trị không tốt dễ dẫn đến mắc bệnh lao và để điều trị lao tốt phải giữ lượng đường huyết ổn định.
Người cao tuổi hay đau khớp, thường dùng các thuốc giảm đau kháng viêm. Nếu dùng lâu dài thuốc chứa corticoid sẽ làm giảm sức đề kháng nên dễ nhiễm trùng, đặc biệt nhiễm lao và nhiễm nấm. Do đó, bệnh lao ở người cao tuổi trở nên phổ biến và khó điều trị.
4. Phòng bệnh lao ở người cao tuổi như thế nào?
- Khi đi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người bệnh lao phổi cần đeo khẩu trang.
- Khi hắt hơi hoặc ho cần che miệng, thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân với người bệnh.
- Người bệnh lao cần tránh lây nhiễm cho những người xung quanh bằng cách đeo khẩu trang, khạc đờm vào chỗ quy định, đờm và nguồn lây phải được hủy đúng cách.
- Người bệnh không ngủ chung phòng, tránh đến nơi đông người.
- Tận dụng ánh sáng mặt trời cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh.
- Thực hiện lối sống lành mạnh: ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục, không sử dụng chất gây nghiện…
- Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, khám sức khỏe thường xuyên.
Bệnh lao ở người cao tuổi là căn bệnh phổ biến và phức tạp nên cần đặc biệt thận trọng. Người cao tuổi và người thân cần hết sức lưu ý để phòng tránh. Khi thấy các triệu chứng nghi lao phổi cần đến ngay các cơ sở y tế thăm khám để phát hiện và điều trị kịp thời.