You are currently viewing Người cao tuổi vệ sinh răng miệng như nào mới đúng cách ?

Người cao tuổi vệ sinh răng miệng như nào mới đúng cách ?

Một phần thiết yếu của việc chăm sóc người cao tuổi tại nhà là vệ sinh răng miệng. Sức khỏe răng miệng sẽ giúp người cao tuổi nâng cao chất lượng cuộc sống một cách đáng kể bởi họ có thể ăn những món ăn mà họ thích một cách thoải mái và tự tin nói và cười.

Người cao tuổi đôi khi mất đi sự khéo léo cần thiết để tự làm sạch răng hiệu quả, vì vậy họ cần sự hỗ trợ. Nếu người cao tuổi bị sa sút trí tuệ, chắc chắn bạn sẽ phải hướng dẫn lại họ cách đánh răng và nhắc nhở thường xuyên.

Các vấn đề về răng miệng người cao tuổi thường gặp

Sâu răng

Sâu răng xảy ra khi lớp men cứng bao phủ răng bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn (mảng bám) tích tụ trên đó. Các lỗ được gọi là sâu răng có thể phát triển và khi điều này xảy ra, điều trị nha khoa sẽ là cần thiết.

Bệnh nướu (lợi) răng

Bệnh nướu răng xảy ra khi mảng bám tích tụ nơi nướu răng tiếp xúc với răng. Điều này có thể gây ra nhiễm trùng làm tổn thương nướu cũng như mô và xương bên dưới. Các triệu chứng của bệnh nướu răng bao gồm nướu đỏ, mềm hoặc chảy máu.

Vệ sinh răng miệng tốt có thể giúp đẩy lùi các triệu chứng ban đầu của bệnh nướu răng.

Vệ sinh răng miệng cho người cao tuổi

Hãy khuyên người thân của bạn nên đánh răng bằng kem đánh răng ít nhất hai lần một ngày để giúp ngăn ngừa bệnh nướu răng và sâu răng. Người cao tuổi nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông từ mềm đến trung bình. Và tốt nhất nên thay bàn chải sau 3 tháng hoặc khi nó không còn giữ nguyên hình dạng ban đầu.

Nếu người thân của bạn cảm thấy khó khăn khi làm sạch răng, họ cần hỗ trợ nhưng có thể xấu hổ khi phải nhờ bạn hoặc người chăm sóc của họ giúp. Bạn hãy tìm cách để tiếp cận và có giải pháp tốt nhất giải quyết vấn đề vệ sinh răng miệng của họ. Hãy từ từ giúp đỡ họ để họ không thấy ngại. Bạn có thể đứng phía sau người cao tuổi để giúp chải răng cho họ dễ dàng hơn.

Bạn nên cân nhắc trang bị bàn chải điện cho người cao tuổi vì chúng giúp đánh răng nhẹ nhàng và các đường đi đúng cách. Tay cầm của bàn chải điện to hơn nên cũng thuận lợi cho người cao tuổi bị Parkinson.

Hướng dẫn đánh răng

  • Đặt lông bàn chải ở vị trí răng tiếp xúc với nướu, hướng về phía nướu. Chải nhẹ nhàng theo chuyển động tròn nhỏ. Chải quanh từng chiếc răng và nhẹ nhàng, cẩn thận dọc theo đường viền nướu. Chải nhẹ lưỡi để giúp răng miệng của người cao tuổi được sạch sẽ. Bạn đừng quên nhắc họ nhổ kem đánh răng ra nhưng không được súc miệng vì điều này có thể làm giảm lợi ích từ kem đánh răng.
  • Tốt nhất người cao tuổi cần dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn và mảng bám giữa kẽ răng mà bàn chải không chạm tới trước khi đánh răng. Tuy nhiên, điều này khó thực hiện được với người cao tuổi bị sa sút trí tuệ vì không thể hiểu được những gì là cần thiết.
  • Sau khi đánh răng, bạn nhắc người cao tuổi súc miệng bằng nước súc miệng, đặc biệt là nước súc miệng có chứa chlorhexidine để giúp diệt khuẩn, bảo vệ răng và nướu khỏe mạnh. Nước súc miệng có thể làm sạch tất cả kẽ răng, cổ họng và vòm họng của người cao tuổi.

Dụng cụ hỗ trợ vệ sinh răng miệng

Các phương tiện hỗ trợ như bàn chải đánh răng điện có thể có lợi cho người cao tuổi khi việc di chuyển của họ bị hạn chế. Nếu người cao tuổi của bạn cảm thấy khó khăn khi cầm bàn chải đánh răng thông thường, họ có thể xoay sở tốt hơn với bàn chải được thiết kế đặc biệt với tay cầm uốn cong.

Nước súc miệng và kem đánh răng giúp cho việc làm sạch răng hiệu quả hơn vì chúng có thể giúp ngăn ngừa bệnh răng miệng.

Chỉ nha khoa và tăm chỉ là dụng cụ hỗ trợ đắc lực để làm sạch răng sau khi ăn. Thường thì những mảnh vụn của thức ăn là thủ phạm gây ra các lỗ sâu ở kẽ răng.

Chăm sóc răng giả

Nếu người thân của bạn có răng giả, việc vệ sinh răng miệng cũng rất quan trọng. Răng giả nên được chăm sóc đầy đủ để chúng có thể được sử dụng lâu dài.

Điều quan trọng là răng giả phải vừa vặn và thoải mái với người cao tuổi. Bạn nên chải răng giả bằng sản phẩm chăm sóc răng không mài mòn và để trong nước hoặc dung dịch làm sạch răng giả qua đêm hoặc tối thiểu bốn giờ mỗi ngày.

Nếu người thân của bạn không hài lòng về việc không đeo răng giả liên tục thì bạn có thể làm hai bộ răng giả để có thể thay thế mỗi khi cần làm sạch. Giữ răng giả sạch sẽ tránh bị ố vàng làm viêm, sưng nướu và hôi miệng.

Sau khi tháo răng giả, bạn nên chải nhẹ lưỡi, nướu và vòm miệng của người cao tuổi bằng bàn chải đánh răng mềm.

Chăm sóc răng miệng định kỳ

Điều quan trọng là người thân của bạn phải đi khám răng định kỳ. Bạn hoặc người thân khác trong gia đình có thể đi cùng họ tới phòng khám răng để trấn an và hỗ trợ khi cần thiết.

Bệnh nướu răng nghiêm trọng sẽ cần bác sĩ thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách bởi vì nhiễm trùng nướu nếu không được chữa kịp thời sẽ ảnh hưởng đến mô miệng và xương hàm. Nếu bạn thấy người cao tuổi chị chảy máu chân răng khi đánh răng hoặc khi xỉa răng thì cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ để khắc phục sớm, cũng như phòng tránh các vấn đề răng miệng nghiêm trọng.

Tầm quan trọng của chế độ ăn uống đối với chăm sóc răng miệng

Thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường có thể làm hỏng răng và làm cho sức khỏe răng miệng người cao tuổi kém đi. Tuy nhiên, nhiều người cao tuổi thích ăn ngọt hơn lúc trẻ hoặc vị giác của họ không còn tốt, họ nếm thức ăn kém hơn.

Để giúp giảm thiểu thiệt hại mà đường có thể gây ra, người cao tuổi có thể sử dụng các sản phẩm chứa chất tạo ngọt thay thế đường. Nếu người thân của bạn bị khô miệng, hãy đảm bảo rằng họ uống nhiều nước lọc và tránh hút thuốc, caffeine, rượu vì chúng có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.

Chăm sóc răng miệng là công việc rất quan trọng để đảm bảo người cao tuổi của bạn có một sức khỏe tốt.

Xem thêm: 6 Lời khuyên giúp chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi

 

Trả lời